(Dân trí) - Cấm dân giữ ngoại tệ để chống “đô la hóa” có phạm quyền công dân? Quản lý vàng dự trữ có “chặn cửa” kinh doanh vàng miếng trên thị trường?.. Rất nhiều câu hỏi đặt ra trong phiên thảo luận về quy định quản lý ngoại hối tại UB Thường vụ QH ngày 13/12.
Đề xuất sửa đổi một số điều của Pháp lệnh quản lý ngoại hối, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình kiến nghị thu hẹp đối tượng được quyền vay ngoại tệ từ nước ngoài, không quy định quyền dành cho hợp tác xã và cá nhân.
Tuy nhiên, thẩm tra dự án pháp lệnh, UB Kinh tế cho rằng, Hiến pháp quy định tất cả các cơ sở sản xuất, kinh doanh thuộc mọi thành phần kinh tế đều bình đẳng trước pháp luật. Cơ quan thẩm tra không tán thành đề xuất này, yêu cầu giữ nguyên quyền cho hợp tác xã.
Chủ nhiệm UB Kinh tế: "Cần giải quyết dứt điểm tình trạng đô la hóa".
Với trường hợp đối tượng vay vốn là cá nhân, Chủ nhiệm UB Kinh tế Nguyễn Văn Giàu “gật đầu” cho rằng, việc cá nhân vay nước ngoài chứa đựng rủi ro cao. Nếu cần thiết thực hiện các dự án đầu tư hợp tác cần huy động vốn vay nước ngoài thì có thể thành lập doanh nghiệp và vay vốn nước ngoài theo quy định.
Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu đề nghị cân nhắc thêm về việc trao quyền cho cá nhân đứng ra vay, tự chịu trách nhiệm trả với những khoản vay nợ ở bên ngoài.
Về nhóm quy định hạn chế sử dụng ngoại hối, có ý kiến đề nghị, trong các lĩnh vực đầu tư được khuyến khích, nên cho phép một số trường hợp được ký hợp đồng, báo giá bằng ngoại tệ nhưng sẽ thanh toán bằng đồng Việt Nam để bảo vệ quyền lợi của người đầu tư trước rủi ro tỷ giá trong các lĩnh vực được khuyến khích.
Tuy nhiên, Chủ nhiệm UB Kinh tế bác bỏ với lý do cần tạo khung pháp lý đồng bộ và thống nhất để giải quyết tình trạng “đôla hóa”, tiến tới xóa bỏ việc sử dụng ngoại tệ làm phương tiện thanh toán. Để chủ động phòng ngừa rủi ro tỷ giá, khi ký kết hợp đồng các doanh nghiệp có thể sử dụng các biện pháp kỹ thuật như hợp đồng phái sinh ngoại tệ…
Với đề xuất thực hiện lộ trình chống tình trạng “đôla hóa”, cơ quan thẩm tra cũng nhận định, thời gian qua, quy định phạm vi sử dụng ngoại tệ của cá nhân (được chuyển khoản ngoại tệ 1 chiều với mục đích cất giữ, mua bán, gửi tiết kiệm bằng ngoại tệ tại các ngân hàng…) là tương đối rộng, dẫn đến tình trạng sử dụng ngoại tệ phổ biến trong nước, làm gia tăng tình trạng đôla hóa trên lãnh thổ, gây ảnh hưởng đến việc điều hành chính sách tiền tệ, chính sách tỷ giá của NHNN. Thực hiện mục tiêu hạn chế tình trạng đôla hóa, cần sửa đổi các quy định trên theo hướng hạn chế bớt các quyền sử dụng ngoại tệ làm phương tiện thanh toán, công cụ đầu tư của cá nhân.
Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra cũng cảnh báo, việc hạn chế các quyền sử dụng ngoại tệ của cá nhân là vấn đề nhạy cảm, có phạm vi ảnh hưởng lớn cũng như có thể tác động đến lợi ích của từng người dân và tổ chức kinh tế. Phản ứng của những đối tượng này sẽ có tác động tiêu cực đến thanh khoản ngoại tệ của hệ thống ngân hàng cũng như ảnh hưởng đến lượng chuyển tiền kiều hối về Việt Nam hằng năm.
Chủ nhiệm UB Tài chính ngân sách Phùng Quốc Hiển nêu quan điểm đồng tình về việc tăng cường quản lý, chống đôla hó vì “có vẻ như luồng tiền về thì rộng, tiền ra lại tương đối chặt”. Song, nếu quy định quá cứng, ông Hiển lo ngại, có thể ảnh hưởng đến việc Việt Nam đầu tư ra nước ngoài.
Ông Hiển tỏ ý thông cảm với cảnh báo của UB Kinh tế về khả năng “phạm” vào quyền công dân. Chủ nhiệm UB Tài chính ngân sách chỉ rõ, quy định dứt khoát người dân có ngoại tệ phải gửi vào ngân hàng là không cần thiết. “Không can cớ gì hạn chế việc giữ tiền. Đã có quy định cấm mọi giao dịch, hàng hóa niêm yết bằng ngoại tệ trên toàn bộ lãnh thổ thì dù có giữ mà đem ra thanh toán trực tiếp vẫn là vi phạm, vẫn xử lý được” – ông Hiển giải thích.
Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu cũng nhắc nguyên tắc phải bảo vệ quyền tài sản của cá nhân, không được cấm hoạt động dự trữ ngoại tệ, vàng, chỉ được điều chỉnh khi người dân đưa ra lưu thông, thanh toán. “Cấm” sẽ ảnh hưởng đến lượng kiều hối rót về.
Thống đốc Nguyễn Văn Bình: "Thời gian qua NHNN phải tập trung xử lý nợ xấu".
Thống đốc NHNN phân trần, đề án chống đô la hóa đã soạn thảo xong, thực tế đã áp dụng một số nội dung. Vì thời gian qua phải tập trung xử lý nợ xấu, tiến độ thực hiện có bị giãn đôi chút. Tới đây, NHNN sẽ xin ý kiến Chính phủ trước khi trình Bộ Chính trị xem xét.
Về quản lý vàng, cơ quan soạn thảo cho rằng không cần thiết đưa nội dung này vào pháp lệnh trong khi quan điểm khác lại đề nghị quy định cụ thể. UB Kinh tế cho một “phiếu thuận” đối với ý kiến của NHNN, chỉ điều chỉnh vàng với tư cách là một loại ngoại hối trong dự trữ ngoại hối nhà nước mà không điều chỉnh vàng miếng được kinh doanh trên thị trường (vàng là hàng hóa).
Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu nhắc lại, Nghị quyết về kinh tế xã hội QH vừa thông qua trong kỳ họp thứ 4 đã nhấn mạnh, không được dùng vàng làm phương tiện thanh toán. Tuy nhiên, dự thảo pháp lệnh chưa nêu rõ quản lý vàng là ngoại hối, là hàng hóa hay tài sản, chưa xác định điều chỉnh với tư cách nào. Ông Lưu đặt câu hỏi, kim cương, đá quý, kim khí quý khác có “ngoại lệ” không?
Thống đốc Nguyễn Văn Bình khẳng định, những khoản đã gọi là ngoại hối, quyền quản lý tuyệt đối thuộc NHNN. Vàng thuộc dự trữ vì vậy cũng thuộc quyền quản lý của cơ quan này.
P.Thảo
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét