(Dân trí) - Mục đích chính của VPF khi được lập ra là tổ chức các giải đấu bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, trong mùa giải 2013, với những đề xuất vừa được đưa ra từ chính VPF, thì nhiều khả năng công ty này đang chuẩn bị tổ chức giải… phong trào.
Tên đầy đủ của VPF là Công ty Cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam. Nghe tên gọi cũng đủ thấy mục đích chính của VPF sau khi ra đời là tổ chức các giải đấu chuyên nghiệp trong hệ thống thi đấu bóng đá quốc gia.
Ấy vậy mà bản thân VPF vừa đưa ra một đề xuất chẳng khác nào chuẩn bị cho việc họ sắp tổ chức một giải đấu phong trào. Ý tưởng về một giải V-League và hạng Nhất không có đội xuống hạng là một ý tưởng hết sực lạ đời của VPF.
Tính hấp dẫn tại V-League liệu có tồn tại?
Giải đấu vô địch quốc gia mà không có đội xuống hạng thì có lẽ cũng không khác giải phong trào là mấy. Bởi, khi đó, tính cạnh tranh chắc chắn sẽ giảm đi đáng kể. 2/3 số đội dự V-League vốn lâu nay chỉ quen chạy đua cho cuộc chiến giành quyền trụ hạng sẽ chẳng còn động lực thi đấu nếu đề xuất không có đội xuống hạng của VPF được thông qua.
Một giải đấu mà có đến khoảng 2/3 số đội không còn động lực thi đấu cụ thể thì cũng chẳng biết người hâm mộ sẽ đến sân xem những gì? Mà nếu giải đấu không hấp dẫn, không lôi kéo được khán giả đến sân thì chính bản thân VPF cũng khó thuyết phục các nhà tài trợ.
Có thể một trong những nguyên nhân khiến VPF đi đến quyết định này là họ cho rằng việc không có đội xuống hạng sẽ giúp cho các đội giảm đi áp lực đầu tư, trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay.
VPF cũng lý giải phần thưởng khá cao gồm 10 tỷ đồng cho đội vô địch sẽ là động lực khuyến khích các đội bóng cạnh tranh thứ hạng. Tuy nhiên, chưa chắc mọi việc sẽ diễn tiến đúng theo suy nghĩ của các vị trong HĐQT VPF.
Muốn có tiền thưởng cao từ ngôi vô địch, một đội phải đầu tư mạnh để đá thắng phần còn lại. Khi đó, áp lực đầu tư lại tăng lên, chứ chẳng hề giảm xuống như ý của VPF.
Có vẻ như đề xuất không có đội xuống hạng của VPF phục vụ lợi ích cho một nhóm các ông bầu thì đúng hơn. Không còn phải lo chuyện xuống hạng, các ông bầu không cần phải đầu tư cho đội hình, không lo trả lương cao cho cầu thủ và cũng không cần thưởng cho đội mình để có thành tích. Thành ra, nếu tìm một bên có lợi nhất sau quyết định của VPF, thì đó chỉ có thể là các ông bầu, trong khi VPF cũng đang được lãnh đạo bởi một nhóm các ông bầu.
Một vấn đề gây tranh cãi khác xung quanh những đề xuất của VPF chính là việc U.22 Việt Nam có thể dự V-League theo suất đặc cách.
Đây lại là một chi tiết nữa chứng minh những ý tưởng hoàn toàn phong trào của VPF. Thứ nhất, nếu gọi là giải đấu chuyên nghiệp thì bất cứ đội bóng nào muốn tham gia giả phải đáp ứng được những tiêu chí nhất định, phải thông qua sự sàng lọc hẳn hoi, chứ không phải nghiễm nhiên dự giải bằng suất đặc cách.
Thứ nhì, nếu U.22 Việt Nam tham dự giải vô địch quốc gia, thì VPF sẽ góp phần tạo nên thêm tranh cãi giữa CLB và đội tuyển U.22 Việt Nam. Đấy là tranh cãi về quyền lợi của đôi bên một khi giữa CLB và đội tuyển U.22 Việt Nam có phát sinh tranh chấp về quyền sử dụng cầu thủ.
Trên bình diện bóng đá quốc tế, ngay đến FIFA cũng chưa bao giờ tự cho mình cái quyền buộc các CLB phải nhả cầu thủ cho đội tuyển quốc gia với thời hạn lâu như thế (kéo dài nhiều tháng trời), huống hồ là VPF. Đấy là chưa tính đến chuyện ai sẽ là đơn vị đứng ra lo kinh phí cho đội tuyển U.22 Việt Nam khi họ đá một giải đấu dài ngày và chắc chắn là sẽ rất tốn kém như V-League?
Đôn U.22 Việt Nam lên đá V-League vì VPF sợ không đủ đội đá, vậy tại sao VPF không chấp nhận phương án còn bao nhiêu đội cũng phải đá, thậm chí có thể tạm hoãn V-League một khi chính VPF cũng chưa sẵn sàng? – Thay vì chọn cách tổ chức mang nặng tính nghiệp dư như vậy!
Bây giờ thì bóng đang nằm bên phần sân của VFF, sau khi VPF trình đề xuất của mình lên tổ chức này. Tuy nhiên, cũng đừng quên là VFF có đến 3/8 thành viên thuộc HĐQT của VPF (2 PCT Lê Hùng Dũng, Phạm Ngọc Viễn, cùng bà Thu Trang). Họ cũng đã bỏ phiếu đồng ý với những đề xuất mang nặng tính phong trào vừa nêu trong cuộc họp HĐQT VPF. Thành ra, dư luận liệu có nên tin vào một sự sáng suốt của VFF?
Thiện Nhân
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét